Thiếu hụt kỹ năng sử dụng công nghệ sẽ khiến người trẻ đi chậm lại trong thời kỳ công nghệ số. Nhưng lạm dụng và quá lệ thuộc vào smartphone cũng là điều không nên. Làm thế nào để "tận dụng" chứ không phải "lạm dụng" smartphone?
Lạm dụng smartphone dẫn đến thiếu kỹ năng sống
Tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định việc lệ thuộc vào smartphone được xem là hiển nhiên với người trẻ trong bối cảnh xã hội hiện tại.
"Hầu hết các hoạt động học tập hoặc sinh hoạt đều có thể "số hóa". Chỉ cần chiếc smartphone trong tay, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu cả… thế giới. Do đó, việc lệ thuộc vào smartphone là điều tất yếu phải xảy ra. Dù muốn dù không thì chúng ta bắt buộc phải thừa nhận rằng smartphone là sản phẩm của thời đại", tiến sĩ Vũ nói.
Người trẻ cần sử dụng đúng cách để tận dụng những tiện ích từ smartphone thay vì quá lạm dụng
Trước những ý kiến cho rằng khi người trẻ quá lệ thuộc vào smartphone thì sẽ gặp nhiều hệ lụy trong cuộc sống, chuyên gia này cho rằng việc lệ thuộc vào smartphone có dẫn đến hệ lụy hay không là nằm ở biểu hiện hành vi, cách thức, mục đích sử dụng smartphone của mỗi người. Không thể vội kết luận việc quá lệ thuộc vào smartphone sẽ gặp hệ lụy gì. Thay vào đó, hãy nhìn thẳng vào bản chất, động cơ của hành vi sử dụng smartphone của mỗi cá nhân để có thể thấy được nhìn nhận khách quan nhất.
"Tuy nhiên không thể phủ nhận việc quá lệ thuộc vào smartphone sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sống. Có thể kể như: sẽ lười suy nghĩ, thường sử dụng công cụ tìm kiếm hơn là sức mạnh của bộ não để giải quyết các vấn đề hằng ngày. Hay thường suy nghĩ tiêu cực, giảm tương tác xã hội trực tiếp, tự cô lập, mất động lực gắn kết xã hội. Người quá lệ thuộc vào smartphone có thể thiếu hụt khả năng sáng tạo, có tâm lý phụ thuộc hoặc ỷ lại, mất tự tin vào bản thân... cũng như smartphone đang khiến họ gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần", tiến sĩ Vũ phân tích.
Cũng theo tiến sĩ Vũ, trên thế giới đã có những nghiên cứu minh chứng về mối liên hệ nghịch giữa lệ thuộc smartphone và kỹ năng sống. "Nếu mức độ lệ thuộc smartphone càng cao thì khả năng thực hành các kỹ năng xã hội càng thấp. Ở VN vẫn còn hạn chế các nghiên cứu về mối tương quan này nên chưa thể kết luận được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mà tôi đã hỗ trợ tâm lý có liên quan đến việc thiếu hụt, hạn chế kỹ năng sống, đa phần các bạn đều có biểu hiện của việc lạm dụng smartphone và tự cô lập mình với các mối quan hệ thực tế, dẫn đến việc thiếu kỹ năng ngày càng trầm trọng hơn", tiến sĩ Vũ cho hay.
Sử dụng đúng cách, đúng liều và đúng lượng
Ở góc độ khác, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, nhận định rằng sử dụng công nghệ thành thạo cũng là một dạng kỹ năng trong thời công nghệ số hiện nay. Việc thành thạo công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều cho người trẻ trong học tập và cuộc sống.
Theo thạc sĩ Hạnh, thành thạo năng lực công nghệ thông tin hoặc các kỹ năng số trong thời đại hiện nay chính là một trong những kỹ năng thiết yếu của thế hệ trẻ. Đó sẽ là nền tảng cơ bản giúp người trẻ trở thành người công dân toàn cầu. Việc sử dụng công nghệ thành thạo sẽ giúp người trẻ dễ dàng hơn trong việc "bước ra thế giới", tiếp nhận tri thức mới, có nhiều cơ hội hơn trong học tập, công việc…
"Muốn phát triển trong xã hội hiện đại, nhất là khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng thì người trẻ phải có kỹ năng sử dụng và khai thác các nguồn lực từ internet. Muốn vươn tầm quốc tế, người trẻ phải có kỹ năng, tư duy số làm bệ phóng giúp đạt được các mục tiêu cống hiến, dựng xây đất nước và bản thân mình", thạc sĩ Hạnh nói.
Tuy nhiên, thạc sĩ Hạnh cho rằng sử dụng smartphone thay vì dùng trí óc để nhớ lại hoặc suy luận thông tin có thể khiến người trẻ ngày càng lười biếng trong suy nghĩ. "Vì lẽ đó, hãy tận dụng chứ đừng lạm dụng smartphone một cách quá đà", thạc sĩ Hạnh nói.
Nói đến "liều thuốc hữu hiệu" để người trẻ không còn lạm dụng và lệ thuộc quá nhiều vào smartphone trong bối cảnh hiện nay, thạc sĩ Hạnh cho rằng đó chính là ý thức của mỗi người. Bản thân người trẻ cần phải loại bỏ tâm lý lười suy nghĩ để rồi hành động một cách máy móc là "thôi, tra trên Google cho nhanh". Bởi hành động ấy sẽ hình thành thói quen "chối bỏ nhận thức". Nếu thói quen này ngày càng xuất hiện với tần suất nhiều hơn sẽ khiến lạm dụng smartphone.
"Thay vào đó, nên tập thói quen rèn luyện trí nhớ một cách thường xuyên. Và thay vì cứ chăm chú tìm kiếm trên internet thông qua smartphone thì hãy chăm đọc sách, tài liệu… để tích lũy, ghi nhớ tri thức nhằm ứng dụng vào học tập, công việc, cuộc sống. Mỗi khi giải quyết các vấn đề, người trẻ hãy tự tin vào bản thân, đừng quá dựa dẫm vào smartphone khi mà bản thân vẫn có thể tự động não để phân tích, suy nghĩ tìm câu trả lời. Hãy sử dụng smartphone đúng cách, đúng liều và đúng lượng", thạc sĩ Hạnh khuyên.