Nông dân hai làng hoa lớn ở miền Tây là Sa Đéc (Đồng Tháp) và Cái Mơn (Bến Tre) xuống giống vụ hoa Tết thời điểm giá phân, thuốc tăng, sức mua dự báo giảm.
Giữa tháng 10, khu vườn hàng nghìn m2 với 5.000 giỏ cúc mâm xôi của anh Võ Thanh Tùng (Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) đã được 3 tháng tuổi, đang vào giai đoạn ngắt nụ lần ba. Nhiều năm trồng hoa Tết, anh Tùng cho biết cúc mâm xôi đòi hỏi kỹ thuật cao, thời tiết không được quá lạnh hay quá nóng. Nếu không bông sẽ trổ sớm hoặc muộn khiến nông dân thiệt hại nặng.
Nông dân đang chăm hoa Tết ở làng hoa Sa Đéc
Năm nay diện tích cúc mâm xôi của gia đình anh tăng nhẹ khoảng 20%, tuy nhiên, chi phí sản xuất cũng tăng so với cùng kỳ. Bình quân chi phí cho vụ hoa mỗi năm trên 100 triệu đồng, giá bán dao động 90.000-180.000 đồng một cặp tùy chất lượng. Nếu thuận lợi, hoa nở đúng Tết và ít hao hụt nông dân lãi hơn 100 triệu đồng cho 6 tháng sản xuất.
"Phân rơm, phân hóa học tăng 10.000-15.000 đồng mỗi bao, thuốc bảo vệ thực vật tăng 5-10% trong khi giá bán dự báo không mấy khả quan nên nhiều người trong rất lo lắng", anh Tùng nói.
Theo Phòng kinh tế TP Sa Đéc, nông dân đã xuống giống 30 ha hoa Tết, dự kiến tháng 10 xuống giống hết 100 ha, tương đương các năm, chiếm 10% diện tính hoa, kiểng toàn thành phố. Làng hoa dần chuyển dịch sang các loại cây, kiểng sản xuất quanh năm thay cho hoa Tết. Cụ thể, nơi nay có hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng, trong đó 65% là kiểng công trình trang trí nội thất, kiểng cổ bonsai chiếm 15% và hoa các loại là 20%.
Tại làng hoa xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách (Bến Tre) giữa trưa nắng gắt nhân công vẫn tranh thủ che dù ngắt bớt nụ hoa vườn cúc mâm xôi 1.500 chậu. Anh Huỳnh Văn Tường (40 tuổi), chủ vườn cho hay năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên hoa phát triển tốt.
Vườn cúc mâm xôi bán tết của anh Huỳnh Văn Tường tại Hưng Khánh Trung B, Chợ Lách
Những năm trước, sau khi xuống giống cúc mâm xôi, đến tháng 9, 10 âm lịch anh sẽ xuống giống thêm trên 1.000 chậu vạn thọ cùng cúc hà lan. Tuy nhiên, năm nay lo ngại sức mua giảm do kinh tế khó khăn nên gia đình chỉ tập trung vào vụ cúc mâm xôi, cắt giảm các loại hoa khác.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chợ Lách, thông tin địa phương có 13.000 hộ dân trồng hoa, giống cây ăn quả với hơn 600 ha, 15-17 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh phục vụ Tết mỗi năm.
Năm nay do giá cây giống có thời điểm bị chững lại, người dân chuyển sang trồng hoa Tết nên sản lượng tăng khoảng 20%. Dự báo thời gian tới hạn mặn có khả năng bằng với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, nông dân được khuyến cáo chủ động trữ nước để tưới cây.
"Do kinh tế khó khăn, sức mua của người dân có thể giảm, nhà vườn vì thế nên đầu tư cho các sản phẩm vừa túi tiền để hạn chế rủi ro", ông Nghị nói.